(07/07/2010)
Hàng ngũ cựu quân nhân VNCH lại vừa mất đi một niên trưởng: cựu đại tá Võ Hữu Hạnh, cựu SVSQ Khóa 4 Sĩ Quan Trừ Bị, cựu Trung Ðoàn Trưởng Trung Ðoàn 1 Sư Ðoàn 1 Bộ Binh, cựu Tỉnh Trưởng Hậu Nghĩa, cựu Tư Lệnh Biệt Khu 44, cựu Tư Lệnh Phó Sư Ðoàn 23 Bộ Binh và nguyên Hội Trưởng Những Người Con Cha Diệp.
Trước biến cố 30 tháng 4, 1975, tôi gặp niên trưởng Võ Hữu Hạnh nhiều lần, và hầu hết là ở các mặt trận, nhất là thời gian ông chỉ huy ở Biệt Khu 44. Là dân tác chiến, trừ một thời gian không dài lắm ngồi ở ghế “tổng đốc” (từ ngữ mà giới báo chí chúng tôi hay dùng để gọi đùa các vị được cử làm đầu tỉnh), nhưng niên trưởng Võ Hữu Hạnh lại là người ưa văn chương, thơ phú, đọc sách và tìm hiểu triết học.
Tuy nhiên, cách cư xử của ông với giới truyền thông vào những năm của thập niên 60 hay 70 khiến có thể gây nhiều ngộ nhận dẫn đến một thời kỳ, các phóng viên Việt Nam gần như tẩy chay ông. Người ngoài không hiểu lý do, nhưng cá nhân, tôi hiểu là do ông khó tính trong việc đón nhận các phóng viên đến đơn vị ông để tường thuật. Tôi đã gặp ông nhiều lần, vậy mà lần đến Châu Ðốc để được trực thăng vận vào vùng biên giới gần Mỏ Vẹt, tôi đã bị ông từ chối chỉ vì để quên chiếc nón sắt tại phòng khách sạn.
Có lần ông nói với tôi: “Khi đi tường thuật hành quân ở đơn vị tôi, các cậu phải ăn mặc như lính, chẳng phải để tụi tôi có thêm tay súng mà chỉ để thuận tiện cho công việc. Chiếc nón sắt bảo vệ cái 'gáo dừa' của cậu. Những phóng viên mặt trận như các cậu mà bị thương, bọn tôi rất áy náy vì nghĩ rằng mình không dặn dò khách đầy đủ nên mới ra nông nỗi.”
Ông cười khèn khẹt sau mỗi lần nhắc nhở như thế.
Phải nói rằng, vào thời của niên trưởng Võ Hữu Hạnh, việc gặp ông để phỏng vấn không phải dễ dàng. Ðơn nộp có khi cả tháng không được hồi đáp. Có lần tôi hỏi thì được ông trả lời: “Tớ không muốn tiếp lủy.” (Lủy= lui= ông ấy, nó, hắn).
Trong hành quân, ông không phải là một sĩ quan chỉ huy xuất sắc, nhưng làm việc cần cù, nhẫn nại từ A tới Z cho nên “coi dzậy nhưng không phải dzậy.” Nhóm từ “coi dzậy nhưng không phải dzậy” được ông dùng để mô tả những đòn ông đánh ra bất ngờ đối với Cộng quân khiến họ thiệt hại nặng. Có lần ông hỏi ý kiến tôi về cuốn “Buồn vui đời lính,” tôi nói đùa: “Sách của đại tá là phải hay rồi.” Ông lại cười khèn khẹt: “Cậu mà là lính của tôi là tôi phạt trọng cấm rồi.” Tôi phân bua: “Tôi nói sách đại tá hay mà?” Ông cười: “Tao không phải con nít. Mẹ kiếp, tao thừa biết là cậu nhạo tao. Ðâu có phải thằng đại tá nào cứ viết sách là phải hay...?
Thực ra, tác phẩm của ông không phải là tác phẩm hấp dẫn, nhưng “Buồn vui đời lính” là một tác phẩm đáng đọc, bởi vì nó mô tả đời sống của lính thời chiến tranh. Tôi không biết cuộc đời ông có được phản ảnh đầy đủ trong sách không, nhưng cách mô tả đầy hiện thực của những con người lao vào cuộc chiến của ông tạo được nhiều xúc động, nhưng đồng thời ông phải đối phó với dư luận thủ cựu không thích cách ông mô tả về vinh nhục của đời quân nhân.
Sau biến cố 30 tháng 4, 1975, tôi và niên trưởng Võ Hữu Hạnh đều nằm trong khối người bị những kẻ thắng trận đẩy vào trong các nhà tù. Chúng tôi không gặp nhau trong suốt dòng dài của cuộc lưu đầy, mãi cho đến khi được chuyển về trại Z-30A năm 1987. Lúc đó là đã “cuối mùa” của tù đầy, người thắng đã hả lòng hả dạ và người thua mái đầu cũng đã bạc trắng, nên tình hình sinh hoạt trong trại cũng dễ thở hơn. Tôi được biên chế ra ngoài trại C và nơi đây tôi đã gặp lại niên trưởng Võ Hữu Hạnh.
Trong đời tù, tôi không thể quên được giây phút cảm động này. Khi ngồi ngoài sân trại C để kiểm soát tư trang trước khi được gọi tên nhập vào các đội lao động, các anh em đã đến đây từ những năm trước đứng quanh để nhận người quen, tôi chú ý tới một người. Ông mặc chiếc quần lính vá chằng vá đụp. Trên người là một chiếc áo trận hai tay đã bị cắt ra, có lẽ là để làm vải vá những chiếc áo khác cũng thảm thương như chiếc quần, chân đi đôi giầy saut cũng vá bằng những mảnh vải bao cát nhiều đến nỗi không còn hình thù đôi giầy nhà binh nữa mà tưởng như ông bó ghệt như lính Tây thời xa xưa. Ông không đến nỗi gầy lắm, nhưng nước da xanh mướt và đôi kính cận thị dầy cố hữu dường như chỉ làm rõ thêm nét tiều tụy của ông mà thôi.
Sau khi được gọi tên vào đội rau xanh, tôi vác tư trang đến gần ông, vứt cái ba lô may bằng bao cát của tôi xuống đất và đứng nghiêm chào kính. Mặt ông nghiêm trọng và nói khẽ: “Coi chừng mấy thằng chèo.” (Chèo=công an trại giam). Ông vừa nói xong thì tiếng quát tháo vang lên sau lưng tôi: “Này, cái anh kia, náo (láo) toét nhé. Có mau đi vào buồng giam không, còn chào với hỏi kiểu ngụy quân. Bố náo, bố nếu. Liệu hồn vào nhà pha mà ngồi đấy.” Mặc kệ, sau khi chào, tôi vẫn giơ tay nắm lấy tay ông siết chặt. Một giọt nước mắt ông lăn trên gò má.
Một ngày sau, cũng vào buổi chiều, sau khi nhận phần khoai mì của mình, tôi tìm gặp niên trưởng Võ Hữu Hạnh. Ông ôm tôi cười khèn khẹt. Vẫn cái lối cười chân chất ngày xưa. Sau đó ông Hạnh hỏi: “Thằng quỉ sao còn lưu lạc tới giờ này.” Tôi đáp: “Thưa đại tá, chúng nhốt cho tới bao giờ cảm thấy chán thì thả ra. Cho đến lúc này chúng chưa chán.” Sau đó ông vào chỗ nằm, lấy ra một hũ đường tán chỉ còn lại một tán duy nhất và đưa cho tôi, rồi nói: “Tao chỉ còn một tán đường, cầm lấy ra ngoài đầu hè nói chuyện.”
Chúng tôi ra sau hè, ngồi trên cái nền đất đối diện với một hội trường. Ông hỏi tôi: “Lính tráng khóa mấy mà đến nay vẫn còn tù.” Tôi đáp: “Tôi khóa 5-69, Trung đội 2, Ðại Ðội 33 trường Bộ Binh Thủ Ðức. Tôi ở lâu không phải vì mình là quân nhân mà do làm trong ngành truyền thông, tôi đoán thế.” Ông rút trong túi áo ra hai điếu thuốc rê quấn sẵn và đưa một điếu cho tôi. Tôi bẻ tán đường ông cho ra làm đôi, tôi một nửa, ông một nửa. Chúng tôi ngồi ngậm đường tán, hút thuốc rê, trầm ngâm như thế cho đến khi ánh nắng cuối cùng trong ngày tắt hẳn, không ai nói với ai lời nào cho đến khi trại đánh kẻng tới giờ điểm số vào “chuồng” (buồng giam). Trước khi chia tay, ông Hạnh hỏi: “Tình hình này rồi ra sao?” Tôi trả lời: “Không biết được đại tá ơi, nhưng thôi kệ xác nó, chấp nhận phần xấu nhất đi niên trưởng.”
Từ đó, mỗi ngày sau khi lãnh khẩu phần xong, tôi và niên trưởng Võ Hữu Hạnh thường sóng đôi bách bộ trên cái nền đất dài của hội trường chỉ có cái mái mà không có tường của trại. Chúng tôi nói với nhau đủ thứ chuyện, từ chuyện lính, chuyện tù đầy đến chuyện vợ con, gia đình. Vào thời điểm đó, ông Hạnh có vẻ rất ân hận về chuyện ông bị lụy bởi nhiều đôi mắt giai nhân. Ông nói với tôi rất nhiều chuyện về gia đình ông và cuối cùng ông trầm giọng xuống: “Ðức tin của tao mạnh lắm. Tao nghĩ đây là hình phạt mà tao phải trải qua để đoái công chuộc tội trước Thiên Chúa. Cho nên, tao ở tù càng lâu, tâm hồn tao càng yên ổn hơn.”
Tôi không phải đạo hữu với ông, nhưng thấy có lẽ điều ông nói ra chí lý. Hơn nữa, trong chốn tù đầy, ông giữ được nhân cách, không xin làm việc nhẹ, không xin ân huệ từ kẻ thù, theo đội cuốc đất trồng khoai như mọi người. Trong đời sống quân ngũ khi xưa, ông không được nhiều thượng cấp của ông thích vì tính cương trực và thẳng thắn của ông, nhưng lại được đa số binh lính kính nể vì không “nhám tay” đối với công quỹ lúc còn đương quyền. Có lẽ vì thế mà ông nghèo lắm, thăm nuôi cũng “xuân thu nhị kỳ.”
Sau ngày ra trại, tôi không hề biết được bất cứ tin tức nào về niên trưởng Võ Hữu Hạnh. Và đến khi tái định cư ở Hoa Kỳ cũng vậy. Tuyệt vô âm tín cho đến khi tòa soạn nhật báo Việt Herald nhận được cáo phó loan báo ông đã qua đời. Ðám tang của ông cử hành vào ngày 2 tháng 7 mà ngày ấy tôi đã phải có mặt tại Maui cho đám cưới của con gái tôi, thành thử dự định đến chào kính ông không thành. Thôi thì cũng đành đứng trên mỏm núi nhìn xuống biển mênh mông phản chiếu ánh mặt trời để gởi gấm ông một lời chào vĩnh biệt từ một nơi cách xa linh cữu của ông đến 7 giờ bay và cầu mong hương hồn niên trưởng sớm về nước Chúa.
Tôi không phải là lính dưới quyền ông. Tôi đến với đơn vị ông nhiều lần vì công việc của tôi. Nhưng những lần gặp gỡ ấy đã tạo nên mối thân thiết giữa một tư lệnh chiến trường và một phóng viên mặt trận. Những bài và những phóng sự tôi viết về những đơn vị mà ông từng chỉ huy, tôi chỉ đề cập thoáng qua về một bóng dáng chiến sĩ gây được nhiều ấn tượng mỗi khi ông nói trên ống liên hợp của máy truyền tin: chậm rãi truyền lệnh, đắn đo, không sôi nổi, nhưng đầy bản lãnh và thôi thúc.
Tôi nghĩ những ai từng biết ông và hiểu ông, hình ảnh niên trưởng Võ Hữu Hạnh vẫn còn đậm nét mãi. Hình ảnh ấy không tròn trịa, không hoàn hảo về cuộc đời tình cảm, thậm chí còn phạm phải những lồi lầm với gia đình, nhưng đồng thời hình ảnh ấy cũng thấm đậm những nỗ lực cố vượt qua chìm đắm đó vào những năm tháng cuối đời với sự hiệp sức của Ðức Tin. (V.A.)
(Nguồn: www.vietherald.com)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét