20/1/11

Kỹ thuật “nhuộm đen” của Cộng Sản



Vũ Ánh/Việt Herald

Mới đây, tin tức từ Việt Nam cho thấy nhà văn Trần Khải Thanh Thủy, tác giả cuốn “Viết từ hang đá, nhỏ lệ cùng dân” và người chồng bị đưa ra xử trước tòa án không phải vì cái tội “chống đảng” mà là do một tội hình sự, kết quả của một phản ứng mạnh tay đối với đám côn đồ do công an Hà Nội gài trước nhà riêng của hai vợ chồng nhà văn này. Nhưng mưu mô  được xếp đặt rất lộ liễu và theo luật pháp của chính quyền Cộng Sản, với một tội “đả thương” như thế không thể nhốt hai vợ chồng nhà văn này lâu như vậy được. Do vậy, dư luận dân chúng cho rằng đây là trò “nhuộm đen” thường được sử dụng tại những quốc gia độc tài, những chế độ “mafia” và đặc biệt là trong chế độ Cộng Sản nhằm hủy diệt uy tín của những nhà đối lập, bất đồng chính kiến.


Bị kết án hình sự thì sẽ bị nhốt chung với các thường phạm từ tội trộm cắp, xì ke, ma túy đến cướp của giết người. Sau 30 tháng 4, 1975, những tù cải tạo nào đã từng bị nhốt chung trại với những tù thường phạm hẳn đã thấy mình bị quấy nhiễu và bị phiền hà như thế nào. Bị nhốt chung với tù hình sự, tính mạng thường không có gì bảo đảm với những “đại ca,” một loại “trời con” được bọn cai tù che chở để thủ lợi. Đó là chưa kể đến mưu toan do công an tổ chức từ bên ngoài để bọn “đại ca” gây sự đánh chết người là mục tiêu diệt trừ của chúng.

Nhưng ai cũng hiểu, những người như Trần Khải Thanh Thủy, Lê Thị Công Nhân là những đối tượng can thiệp của những tổ chức nhân quyền và báo chí quốc tế. Bây giờ nếu nhà văn Trần Khải Thanh Thủy ra tòa mà bị kết án hình sự, dù nhẹ, cũng khó ăn khó nói cho những tổ chức nhân quyền hay báo giới quốc tế vì những người Cộng Sản sẽ viện dẫn: “Chúng tôi bắt bà Trần Khải Thanh Thủy vì tội ẩu đả.”

Ngoài trò bẩn thỉu nói trên, một ngón đòn thứ hai cũng thường được đám cầm quyền Cộng Sản áp dụng: Vu oan giá họa với những bằng chứng ngụy tạo. Khoảng thập niên 1980, 1990, trại Xuân Phước A-20 có khoảng trên 100 nhà lãnh đạo tinh thần gồm Công Giáo, Phật Giáo, Cao Đài, Hòa Hảo, Hồi Giáo Ninh Thuận và Châu Đốc bị bắt giữ. Những vị tuyên úy trong quân đội hay những vị tham gia vụ Vinh Sơn thì còn có lý do (“lý” của Cộng Sản) để bị bắt giữ và đẩy vào trại cải tạo, nhưng các nhà lãnh đạo tinh thần của chùa, nhà thờ hay thánh thất thì làm cách nào để bắt họ? Thông thường, bọn công an cài người vào trong số những người thân tín của các nhà lãnh đạo tinh thần để bỏ vũ khí hay truyền đơn “phản động” vào chùa, nhà thờ hay thánh thất để bắt giam các tu sĩ. Một trong những trường hợp điển hình nhất là trường hợp linh mục Phan Văn Trọng, nhà lãnh đạo rất gần gũi với Tổng Thống Ngô Đình Diệm thời Đệ Nhất Cộng Hòa. Chỉ vài tháng sau khi miền Nam Việt Nam rơi vào tay Cộng Sản, ngài về ở ẩn trong một nhà thờ nhỏ ở Sa Đéc. Chính quyền Cộng Sản tại đây muốn bắt ngài mà không có lý do chính đáng nên cài người vào giữ vai trò nội dịch trong nhà thờ và theo lệnh ông ta đã lén bỏ một khẩu súng lục và truyền đơn vào rương đựng quần áo của ngài. Hòa Thượng Thích Huệ Đăng trụ trì một ngôi chùa nhỏ ở Nha Trang cũng bị bắt vì chúng bỏ một tài liệu ngụy tạo nói ngài liên lạc với CIA vào chùa để bắt và đẩy ngài vào trại cải tạo. Còn một số trường hợp các nhà lãnh đạo Phật Giáo bị công an dùng người giả Phật tử thực hiện âm mưu bỉ ổi hơn nữa là đứng ra tố cáo chùa tổ chức đồng bóng, mê tín dị đoan để lấy cớ bắt sư trụ trì và tịch thu chùa.

Những mưu toan vu oan giá họa của Cộng Sản trong những chiến dịch đàn áp tôn giáo sau ngày 30 tháng 4, 1975 thì muôn hình vạn trạng. Nhưng nếu ai hiểu chuyện, sẽ thắc mắc. Một chế độ độc tài như Cộng Sản thì cần gì phải nhiêu khê bày trò pháp lý như trên. Chúng cứ bắt bừa bãi thì đã sao đâu, việc gì phải “vòng vo tam quốc” như vậy? Tôi hoàn toàn đồng ý. Tuy nhiên, sở dĩ Cộng Sản phải bày trò như vậy là để tránh dư luận quốc tế và tránh các tổ chức nhân quyền có thể can thiệp vào, chứ đối với dân chúng trong nước vào giai đoạn ấy, chính quyền Cộng Sản đâu có coi ra gì. Chúng muốn bắt ai, muốn thả ai rất tùy tiện. Cứ gán cho tội “phản động,” “âm mưu lật đổ chính quyền” là xong, là tù mọt gông rồi.

Cho đến nay, khi nhà cầm quyền Cộng Sản muốn mở cửa ra thế giới bên ngoài để làm ăn kinh tế, Hà Nội cần phải thay đổi bộ mặt nên mới cần phải đặt ra luật này, luật kia để lòe thiên hạ. Chứ trên thực tế, khi cần bắt những người mà Hà Nội coi thực sự là nguy hiểm cho chế độ như Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung, Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Thăng Long, họ chỉ cần chụp cho cái mũ “vi phạm an ninh quốc gia qui định trong Điều 88 Bộ Luật Hình Sự” là những người này nằm tù ngay. Khi muốn cho nằm tù lâu hơn và khi cần cho án tử hình thì chuyển tội danh qui định trong Điều 88 sang Điều 79, có thể bị đến án tử hình, chẳng cần chứng cớ gì cả, ngoài những lời nói chỏi lại với đường lối của đảng và chính phủ Cộng Sản.

Kể từ khi Hà Nội mở chiến dịch bịt miệng những người bất đồng chính kiến, đã có bao nhiêu vụ bắt bớ diễn ra với những lý do rất ngớ ngẩn? Và dư luận thế giới từ những chính phủ, các tổ chức nhân quyền, thậm chí Liên Hiệp Quốc, đều lên tiếng phản đối nhiều khi rất gay gắt, nhưng chúng vẫn cứ nhắm mắt làm ngơ. Tại sao? Điều này dễ hiểu thôi. Hà Nội biết chắc rằng dư luận quốc tế, các tổ chức nhân quyền, và thậm chí các chính phủ Hoa Kỳ cũng như Liên Âu, chỉ ào ào phản đối cho có lệ thôi chứ họ vẫn tiếp tục buôn bán, ký hợp đồng làm ăn với Việt Nam rất vui vẻ chứ không thấy một nước nào chỉ tay vào mặt Hà Nội nói: “Nếu các ông còn tiếp tục bắt người trái phép và ngược ngạo như vậy, chúng tôi sẽ phải xét lại các hợp đồng…”

Không nhuộm đỏ được thì nhuộm đen các đối thủ. Bắt bớ với các lý do ngụy tạo, gài bẫy, dàn xếp mưu mô… cuối cùng chỉ là một trong những kỹ thuật “nhuộm đen” các đối thủ mà Hà Nội hiện nay đang chủ trương mà thôi. Cộng Sản áp dụng kỹ thuật ấy không những ở trong nước mà còn ở hải ngoại nữa. Chụp mũ, mặc áo, đội nón Cộng Sản cho bất cứ người nào chúng thấy cần loại trừ, thậm chí “hề hóa” một số tổ chức hay các nhân vật chống Cộng “dởm,” mượn danh chống Cộng để đánh bóng tên tuổi mình đều là kỹ thuật nhuộm đen của Cộng Sản để làm tan vỡ niềm tin của cộng đồng. Nhưng thực tế cho thấy, trò nhuộm đen hay “hề hóa” những người quốc gia của Cộng Sản chỉ có tác dụng tại cộng đồng Việt Nam nào còn nhiều người cả tin, hoài nghi vô căn cứ, giáo điều và không bao giờ đặt ra câu hỏi: “Ông hay bà tố cáo người ta Cộng Sản, làm ăn buôn bán với Việt Nam, nhưng liệu ông bà có bằng chứng cụ thể nào không.”

Cho nên, muốn chống Cộng, điều cần là tránh những việc làm giống Cộng Sản. Bởi vì những ai bắt chước những trò Cộng Sản làm đối với đồng hương của mình thì họ còn cần gì phải phân biệt quốc gia và Cộng Sản nữa. Tuy nhiên, tránh mình hành động giống Cộng Sản cũng khó lắm đấy! Phải đủ bản lãnh, tỉnh táo mới làm được. (V.A.)

(02/25/2010)
A20 Vũ Ánh

(Source: http://www.vietherald.com)

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét