21/1/11

"KHÔNG THÍCH CỦA NÀO TRỜI TRAO CỦA NẤY" (Part 1)



A20 Bùi Đạt Trung (BĐT/BĐ/Người nhái K25)

Đặt bút xuống viết những dòng chữ này đối với tôi là cả một "công trình vĩ đại". Từ khi đặt chân lên xứ người bận lo "cầy cấy" và với những phương tiện hiện đại, khi cần liên lạc chỉ việc nhắc phone hoặc email là xong, nên viết lách là cả một vấn đề xa xỉ phẩm.

Nhân dịp NQ12 với chủ đề “Những Dấu Chân Kỷ Niệm” và với tư cách “biệt đội trưởng, biệt đội người nhái”, vì mang chức “TRƯỞNG” nên phải bấm bụng trồi lên mặt nước đi họp và báo cáo sinh hoạt của mấy tên "thuộc hại" mà trong đó điển hình có một tên phù hợp với tựa đề của bài này.


Nguyễn Thanh Long, K25


Trong “trường mẹ” tôi với nó thuộc hai “trường phái” khác nhau, không quen nhau, không hợp gu và cũng chưa hề đi chơi, nói chuyện với nhau, chỉ nghe "danh tiếng" của nhau thôi, thế mà sau khi ra trường lại trở thành "dính lẹo" với nhau, từ đơn vị, chiến trường, cho đến lúc “tù tội”. Ngay khi còn trong trường, hắn đã có những biệt hiệu “để đời”. Theo tôi biết thì hắn có ba (3) biệt hiệu. Ngoài ra, còn biệt hiệu nào khác thì tôi chưa được biết. Tôi xin liệt kê cho các bạn xem huyền thoại của những biệt hiệu đó từ nhẹ tới nặng:

“LONG THỊT CẦY”

Ngay từ trong trường ra đến ngoài đơn vị, hắn với Hà Ngũ Lý là cặp bài trùng. Khi nào đóng quân gần nhau ở An-Lộc hay Chơn-Thành, vừa dịp lãnh lương là thế nào cũng có nồi "rựa mận" với vài lít đế. Điều này đã làm thay đổi cuộc đời của tôi. Vì vốn không thích ăn thịt chó, không phải vì sợ mà vì ấn tượng. Hồi còn nhỏ, học nội trú, ăn cơm với “giả cầy” mấy đứa bạn chọc tôi "nếu mày ăn thịt chó, mày sẽ biến thành chó", nên gia đình tôi ai ai cũng ăn thịt chó trừ tôi. Nhưng ngồi với “hai tên này” cùng với Vi Văn Đạt, Ngô Đức Khoa, Tạ Thúc Thái, khi đã sỉn sỉn rồi, tụi nó hỏi tôi bây giờ đã dám ăn thịt chó chưa, tôi bảo "Bây giờ thịt người tao cũng ăn".

“LONG BÔ”

"Bô" đây không phải là "bô giai" (beau giai) đâu các bác ạ. "Bô" này là ống “Bô xe hơi”. Miệng hắn lúc nào cũng toang hoác, nói oang oang như cái... Cho nên cái "bô" này đã gặp bao nhiêu là "truân chuyên" từ quân trường, đơn vị, cho đến khi tù tội.

Tại quân trường Dục Mỹ, trong khoá học "RỪNG NÚI SÌNH LẦY", sau khi học một bài nào về chiến thuật chẳng hạn như tấn công, đột kích, phục kích, đổ bộ là phải thực tập. Thực tập, thường xãy ra vào buổi sáng sớm ngày hôm sau, khoảng năm, sáu giờ sáng. Có một điều đau khổ nhất và ai cũng ngao ngán là sau khi bắn đạn mã tử trong lúc thực tập, khi về mọi người phải hối hả lau chùi và thông nòng súng để kịp tám giờ khám súng. Thường thì không ai được "vẹn toàn" cả. Một lần nọ, sau khi học xong bài “đột kích bình minh”, buổi thực tập được xãy ra lúc năm giờ sáng ngày hôm sau, trên một ngọn đồi và hắn là trưởng toán. Sau khi ban “lệnh hành quân”, toán bắt đầu xuất phát lúc bốn giờ. Ở dưới núi, huấn luyện viên chiến thuật đứng chờ và theo dõi. Sáu giờ, sáu giờ ba mươi rồi bảy giờ vẫn không thấy động tĩnh gì. Đáng lý ra, đã phải nghe tiếng súng nổ, hoả châu và tiếng la hét "xung phong, biệt động quân sát". Tứ bề vẫn im lặng. Huấn luyện viên đang lo không biết chuyện gì đang xảy ra. Một lúc sau, trưởng toán và đoàn tuỳ tùng xuất hiện. HLV hỏi "Ủa…, sao các anh chưa đột kích mà đã đi về rồi?". Hắn nói "Xong rồi, chúng tôi đột kích xong rồi". "Nhưng sao tôi không nghe tiếng súng gì hết vậy?" Hắn trả lời tỉnh bơ "Đâu cần, chiến thuật là phải “sáng tạo, nhanh chóng, bất ngờ và tàn bạo”. Chúng tôi không dùng súng mà xử dụng lưỡi lê". HLV chỉ còn biết dậm chân và kêu trời "Nhưng đây là quân trường chứ không phải chiến trường ..."

Khi ra đơn vị, trong số các bạn K25 về Liên Đoàn III Biệt Động Quân, trong đó có tôi, Tạ Thúc Thái và Hà Ngũ Lý về TĐ 31, Long "Bô" và Ngô Đức Khoa về TĐ36, Vi Văn Đạt và NT Lê Trung Nga K23 về TĐ 52. Trong toán có ba tên để râu: tôi, hắn và NT Nga. Mỗi TĐ mang một cầu vai màu khác nhau, TĐ 31 màu tím, TĐ 36 màu xanh (green), TĐ 52 màu đỏ. Thế nên, mỗi lần gọi nhau trên máy truyền tin là "Râu xanh gọi Râu tím". Về sau, TĐ râu đỏ có sáng kiến thêu hình con RỒNG lên cầu vai. TĐ 36, râu xanh thấy vậy muốn bắt chước nên họp các ban lại hỏi ý kiến, Thiếu Tá TĐT hỏi "Bây giờ các anh muốn thêu hình gì?". Hắn bèn giơ tay lên. Mọi người hí hửng lắng nghe. Hắn nói "Tôi có ý kiến là chúng ta nên thêu hình CON THỎ". Mọi người chưng hửng!!! TĐT hỏi "Tại sao lại là CON THỎ?". Hắn nói "Tiếp tế lương thực tuần nào cũng cho ăn toàn cà rốt. Vì thế, nên thêu con thỏ là đúng". Than ôi ! tuần sau, hắn được lệnh dẫn đại đội lên đóng tuyến đầu ...

Trong trại tù ở Hàm Tân, Z30C, hắn khệnh khạng đi lên trạm y tế khai bệnh và có mang theo một túi phân có dính máu, thều thào nói với tên bác sĩ (thực ra chỉ là tên cán sự y tế trong rừng ra): "Bác sĩ ơi, tôi bị kiết lỵ ra máu, mệt quá đi không nổi. Đây này BS xem thử coi!". Nói xong hắn liền dí túi phân vào mặt BS, BS sợ quá bịt mũi lại và vội xua tay "Thôi được rồi, về đi, cho nghỉ một ngày lao động". Thế là hắn ta cám ơn rối rít đi về chỗ nằm, từ từ lấy cái ly và muỗng ra, mở túi phân đổ hết vào trong ly và ngồi ăn sáng ngon lành. Thực ra đó chỉ là bột đậu xanh pha với một tị thuốc tím ...

Thậm chí có hôm hắn còn khai bệnh là bị ung thư cuống họng (UTCH) làm BS cứ ngớ ra chả hiểu UTCH là gì (có biết khỉ gì đâu), nhưng để chữa ngượng BS nầy vội cho hắn nghỉ một ngày lao động.

“LONG SỤN”

Cái huyền thoại này mới thật là ly kỳ và hấp dẫn. Hắn có một căn bệnh mà ít ai bị, đó là bệnh “đau xương sống”. Mỗi lần lên cơn, hắn nằm vật vã dưới đất, miệng sùi bọt mép, lưng oằn lên vì đau quá chịu không nổi làm mọi người lo quýnh lên phải tìm cách đưa hắn xuống bệnh xá. Năm thứ hai tại TVBQGVN, hắn ở Đại đội A, lầu 2 hoặc 3 gì đó. Một lần nọ, đến giờ đi học thái cực đạo bên Quang Trung, lúc mọi người sắp sửa leo lên xe GMC để đi thì hắn lên cơn “bổn cũ soạn lại”. Lần này, hắn thêm mắm thêm muối "Thôi tụi mày, tao van xin tụi mày, hãy cho tao phát đạn đi, tao chịu hết nổi rồi !". Các bạn lo quá, vội kêu bệnh xá mang ambulance lại chở hắn đi, sau đó mọi người leo lên xe đi học võ nhưng trong lòng vẫn lo lắng không biết tình trạng của hắn ra sao. Sau khi học xong, mọi người trở về trại và vội vàng leo lên cầu thang, về phòng xem hắn có đỡ không. Gần tới phòng của hắn, một mùi thơm thoát ra từ đó làm ai cũng muốn "dzỏ dzãi". Mở cửa ra, thấy bệnh nhân đang đứng xào nấu một cách thoải mái, vô tư. Đây là một trong những trường hợp điển hình. Trong thời gian quân trường, tôi thường vẫn vơ suy nghĩ lao lung về căn bệnh “hiểm nghèo” của hắn là chưa bao giờ tôi nghe nói hắn lên cơn trong khi đang dạo chơi, ngoài khu phố Hoà Bình với đào, trong lúc đang mùi mẫn ở khu Phan Đình Phùng hay trong lúc đang nhậu thịt cầy. Rất may cho hắn, khi ra đơn vị, tôi không thấy căn bệnh này xuất hiện (xỉn quá rồi, có xuất hiện cũng không biết !!!).

Sau đó, trong trại cải tạo, căn bệnh này lại tái phát. Một buổi trưa, trời nắng chang chang, cả trại tập họp trước cổng để xuất trại đi lao động. Trong khi chờ “kiểm tra quân số”, hắn ngồi và lẩm bẩm "Tụi mày chuẩn bị nhé!". Thế là hắn bật ngữa lăn đùng ra đất, miệng sùi bọt mép. "SỤN" và "BÔ" phối hợp với nhau tạo nên một cảnh thê lương, hãi hùng. Tụi tôi vội vàng đứng lên "Báo cáo cán bộ, anh này bị lên cơn đau xương sống, đang bị hành quá!". Tên cán bộ thấy vậy, vội vàng nói "Thôi mấy anh khiêng anh ta vào trong phòng liền đi!". Không đợi nhắc chúng tôi ba bốn đứa vội vác hắn như vác “con heo nọc” vào trong nhà. Thằng cầm quạt, thằng nắn lưng, nắn vai trong khi hắn rên rỉ, trong lúc đó các đội đang xuất trại để đi lao động. Sau khi các đội đã đi hết, tiếng rên cũng tự động ngưng. Hắn mở mắt ra và thì thào "Chúng đi hết chưa?". Tôi liền rủa "Dậy đi thằng ông nội, khiêng mầy nặng thấy mẹ!". Hắn cười khì khì "Nhờ vậy mày mới được hưởng “ơn mưa móc” và “thơm lây” với căn bệnh của tao."

Đó là hình ảnh của thằng bạn của tôi mà hai đứa đã trở thành bạn nối khố sau khi ra trường vì những sự trùng hợp và dính lẹo của nhau: Đào của hắn và đào của tôi cùng làm chung một sở. Hai đứa về cùng một Liên Đoàn BĐQ và rồi "đứt phim" cùng ở chung một trại tù. Hình ảnh mà tôi nhớ mãi, là lúc gặp lại hắn tại trại tù Hàm Tân. vì hắn nhập trại sau tôi vào một ngày thứ bảy. Hôm sau, chủ nhật, tôi đang nấu nướng; khi đứng lên và quay lại, tôi thấy một “hiệp sĩ lưng gù” đang lững thững "đi tìm trẻ lạc". “Bốn mắt nhìn nhau, trào máu họng!!!”, không nói không rằng ôm chầm lấy nhau. Qua giây phút "nghẹn ngào", tôi vội vàng vểnh tai để nghe ống "Bô" bắt đầu nổ....

Đó là những kỷ niệm không bao giờ quên trong những “dấu chân kỷ niệm” của đời tôi.

A20 Bùi Đạt Trung (BĐT/BĐ/Người nhái K25)




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét