Nguyễn Chí Thiệp
Nằm trên quốc lộ, làng Thanh Quít cách Hội An 14 km và Đà Nẵng 16 Km tính theo đường cũ qua Liên Trì - Cẩm Lệ, hoặc 22 km tính theo quốc lộ mới qua Ngã Ba Huế - Cầu Đỏ.
Dân Thanh Quít sống bằng nghề dệt và trồng thuốc lá. . . Chợ Vải, trước chiến tranh là trung tâm buôn bán vải, sợi, tơ, bông của vùng bắc Phủ Điện Bàn. Chợ vải có nhà lồng chợ lợp ngói, hai dãy phố, có phố lầu, có cửa hàng tạp hóa, tiệm thuốc bắc của người Trung Hoa. Trồng và buôn thuốc lá là nghề thứ hai. Thuốc lá trồng nơi đây là loại thuốc nổi tiếng cả tỉnh, gọi là thuốc Cẩm-Lệ. Vào mùa Tết âm lịch, cánh đồng thuốc bạt ngàn, bao gồm các làng Thanh Quít, An Tự, Thanh Tú, Hà Thanh, Bích Trâm, Lục Giáp, Viêm Tây, Ngân Căn, Tứ Câu... Rộng hơn cánh đồng thuốc lá Cẩm Lệ nhiều lần. Thị trường tiêu thụ loại thuốc này là Huế, Thừa Thiên và Quảng Trị. Những nhà buôn sĩ người Cẩm Lệ đã thu mua và vượt đèo Hải Vân đưa thuốc lá ra bán cho các nhà chế biến thuốc xắt thành sợi tại Huế, và tên thuốc lá Cẩm Lệ phát xuất từ đây. Sau nầy, nhiều người Thanh Quít chế biến thuốc và trực tiếp bán về Huế, mở rộng thị trường vào Qui Nhơn, Nha Trang, Đà lạt, nhưng cũng không lấy lại tên thuốc cho làng Thanh Quít, mà vẫn phải gọi tên là thuốc Cẩm Lệ như là một danh từ chung. Tên gọi đã thành quen trên thị trường thuốc lá, biết sao?
Tôi sinh ra và lớn lên trong cái hương nồng quen thuộc của thuốc lá. Đến mùa hái thuốc ở đâu cũng thấy lá thuốc, cũng hửi thấy mùi thuốc, ngoài đồng, trong nhà... Lá thuốc được ghim thành từng xâu, căn phơi nhiều lớp trong nhà.
Ở tuổi lên năm tôi đã phụ trồng thuốc lá. Công việc một đứa bé lên năm tuổi có thể làm được là xách rổ hứng nước cho người lớn tưới khi cây thuốc mới được trồng, còn rất bé... cái rổ hứng cho nước tưới đều mà không rơi mạnh, tránh cho cây thuốc con khỏi bị dập, hư.
Làng Thanh Quít không được biết đến như là vùng trồng thuốc nhiều nhất tỉnh, nhưng lại biết là vùng rất nguy hiểm trong chiến tranh. Quân nhân, công chức di chuyển trên đoạn quốc lộ này coi chừng bị Việt Cọng chận bắt hoặc bị bắn sẻ, bị giật mìn. Trong hai cuộc chiến tranh vừa qua, tỉnh Quảng Nam là chiến trường ác liệt nhất của cả nước, thì Thanh Quít là chiến trường triền miên của cả tỉnh. Từ khi người Pháp lập cái đồn Ngũ Giáp vào năm 1947, thì người dân Thanh Quít đã phải chịu đựng chiến tranh. Chiến tranh kéo dài cho đến ngày tàn cuộc chiến tháng 3 năm 1975.
Đến 7 tuổi tôi vẫn chưa được đi học, vì làng không có trường học, và cũng không ai dám mở lớp dạy học. Thời buổi chiến tranh, sống giữa hai gọng kềm, ban ngày người Pháp kiểm soát, ban đêm dưới quyền của Việt Minh, trong nhà có cây bút, có tờ giấy trắng là những cái họa chết người. Ba tôi chỉ cho tôi tập đọc bằng cuốn Quốc Văn Giáo Khoa Thư duy nhất mà ông còn giữ được. Tôi không ở trong thế hệ của những người học Quốc Văn Giáo Khoa Thư ; nhưng đến nay tôi vẫn còn nhớ thuộc lòng nhiều bài trong cuốn sách nổi tiếng một thời đó. “Xuân đi học coi người hớn hở. .. ai bảo chăn trâu là khổ, không chăn trâu sướng lắm chứ... đêm khuya ra đứng bờ ao, trông cá cá lặn, trông sao, sao mờ ”. .v.v.
Lúc 5 tuổi tôi được ghép vào hàng ngũ nhi đồng, những đêm trăng sáng có các anh chị lớn tuổi tập họp, dạy cho chúng tôi tập hát và nhảy múa. . .
Bà Tư bán hàng có bốn người con,
Thằng hai đã lớn, ba em hãy còn..
Học theo các trường nay đã thành khôn,
Năm độc lập kia trong nước Việt Nam. . .
Các con của bà đều ra chiến trường. . ..
hay. .
ai đi vô trong Nam
ai đi ra ngoài Bắc
đường trường xa cách
dừng chân nơi nào
Trời chiều tối rồi
đi cho mau người ơi
đi qua cánh rừng . . .
. . trèo đèo Ba Rền. .
băng qua rừng hoang
băng qua cánh đồng. . .
hay. .
Ai về chợ huyện Thanh Vân
Hỏi thăm cô Tú đánh vần được chưa. . .
hay . . .
Trăng thu tròn thật tròn
bánh thu ngon thật ngon
chúng em quây quần vòng tròn
múa theo nhịp nhàn
tang tính, tình tang tính
Hát chúc bác Hồ muôn tuổi . . .
. . Bác Hồ ở mô
Bác Hồ ở Việt Bắc, Việt Bắc xa vời. . .
. . .cùng nhau tay nắm chiếc bánh trung thu,
hát ca vui vầy.
Bài hát sau cùng này làm cho chúng tôi nao nức chờ đợi, vì chúng tôi được hứa hẹn là đến rằm trung thu chúng tôi sẽ được phát bánh trung thu. Bánh trung thu của bác Hồ ở ngoài miền bắc xa vời gởi vào cho nhi đồng chúng tôi.
Ở làng Thanh Quít lúc bấy giờ có hàng tạp hóa bán nhiều thứ bánh kẹo, nhưng bánh trung thu thì không có. Đám nhi đồng chúng tôi không đứa nào biết bánh trung thu như thế nào, có lẽ những anh chị lớn tuổi dạy chúng tôi múa hát cũng chưa biết bánh trung thu ra làm sao... nhưng chúng tôi chắc chắn là bánh trung thu của bác Hồ gởi từ miền bắc vào thì hẵn là ngon và quý lắm.
Những đêm trăng sáng, chúng tôi múa hát và chờ đợi. Rồi đêm trung thu trăng thật sáng. Trời cao, thật xanh và trăng thật tròn. Trong ánh trăng vằng vặt những bóng tre lung linh và chúng tôi múa hát... Trăng thu tròn thật tròn. Bánh thu ngon thật ngon... hát chúc bác Hồ muôn tuổi... lễ trung thu thật trang trọng kéo dài quá giấc ngủ, tôi cố gắng thức, múa hát và chờ đợi... không thể ngủ trước khi được phát bánh... rồi cuối cùng sau các lời giáo huấn của một anh thanh niên lạ mặt rằng chúng tôi phải ngoan ngoãn và nhớ ơn bác Hồ, chúng tôi được phát bánh trung thu... và khi nhận bánh tôi bổng bật lên khóc tức tưởi, khóc ngon lành như một tháng trước đó có người đến nhà tôi bắt con chó mực đốm bạn của tôi đem đi làm thịt trong chiến dịch giết chó do Việt Minh ban ra. Nhìn lại chiếc bánh, không như điều tôi tưởng tượng và mong đợi. Nó không phải là bánh trung thu. Nó là chiếc bánh vòng sắn được chiên bằng dầu phụng, một loại bánh rẻ tiền nhất có bán ở ngoài chợ. Thường ngày tôi được bà Nội cho ăn các loại bánh kẹo ngon hơn. Bà Nội nói loại bánh vòng sắn không ngon mà lại độc.
Chiến tranh càng ngày càng ác liệt. Cuộc sống của những người đàn ông trong gia đình rất khó khăn. Ban ngày ba tôi trốn người Pháp ruồng bố. Ban đêm phải đổi chỗ ngủ để tránh Việt Minh, nhiều lần ông thoát chết từ hai phía. Chú Út của tôi bị Việt Minh bắt đem đi mất tích.
Gia đình tôi tản cư ra thành phố Đà Nẵng vào cuối năm 1950.
Cuộc sống của những người tản cư ở thành phố lúc đầu cũng khó khăn, không kể đến lý do thay đổi môi trường kinh tế. Dù đã được người quen làm ở sở mật thám Pháp bảo lãnh, ba tôi vẫn thường là đối tượng tra hỏi của các cơ quan an ninh như sở công an của chính phủ quốc gia, phòng nhì quân đội Pháp, phòng nhì quân đội Quốc Gia... bắt bớ, tra tấn, giam cầm họ qui tội ông là cán bộ Việt Minh.
Thời kỳ này ban đêm Việt Minh còn về bắt người tại thành phố, nên gia đình tôi phải cư trú trong xóm gia binh của tiểu doàn Pháo Binh Pháp, những người này không phải là láng giềng tốt. Nhà tôi có con gà, con vịt hay bất cứ món gia dụng nào họ thích thì họ tự tiện tới nhà bắt lấy mà xài, chúng tôi không dám phản đối. Họ gọi chúng tôi là “bọn nhà quê ”. . . “nhà quê, cứt dê nói thuốc tể, hũ bể nói hũ lành, đám hành nói đám hẹ, . . đ.m. thằng nhà quê.. ..”. Tôi bị đám trẻ cùng lứa tuổi kỳ thị. Ở trường học trẻ con từ nhà quê mới ra thành phố cũng là học trò hạng ba. Học trò hạng nhất trong lớp tôi là hai chị em con Hạnh và thằng Nguyên, chúng nó là con của ông Khôi, nhân viên sở mật thám. Con Hạnh đang giữa giờ học đứng lên bàn dậm chân la hét, hoặc nó lấy sách vở của đứa bên cạnh vò và xé nát thì cô giáo cũng không dám đánh phạt. Thằng Nguyên thì thích lấy bình mực đổ vào quần áo và sách vở đứa khác. Phải cả năm sau chúng tôi mới hội nhập được với đời sống bình thường ở thành phố.
Đến mùa Thu, cô giáo chuẩn bị cho chúng tôi đi dự lễ Trung Thu, Tết nhi đồng do Tòa Thị Chính tổ chức. Chúng tôi được dạy bài hát: “bóng trăng trắng ngà, có cây đa to, có thằng cuội già, ôm một mối mơ..”. Tôi được chọn cùng ba đứa tập bài “chú chuột cắp trứng” để trình diễn trên sân khấu. Cái nón cối trắng làm cái trứng. Nằm ôm cái nón cho các bạn kéo, hát: “chú chuột cắp trứng không biết làm sao kéo đi. . .”, trình diễn sân khấu, hồi hợp và vinh dự cho một học sinh lớp tư (lớp hai bây giờ). . sau buổi lễ chúng tôi được lãnh bánh trung thu. . .
Buổi lễ diễn ra ban ngày, không ánh trăng lung linh và bóng tre lả lướt. Trời mưa lâm râm, ướt át nhưng lòng tôi vui như mở hội. Buổi lễ trang trọng và nhiều người mặc vét tông, thắt cà vạt, lần lượt lên đọc diễn văn, ban huấn thị nhắc nhở việc học hành. Ông thị trưởng là người cao lớn có cái mũi to và đỏ gọi chúng tôi là tương lai của đất nước . . . Chúng tôi hát bài học sinh hành khúc. . học sinh là người tổ quốc mong cho mai sau. . . lúc khắp quốc dân tranh đấu hy sinh cho nền độc lập. . .học sinh thề quyết chí phấn đấu. . . .
Sau các tiết mục văn nghệ của các trường tiểu học trong thành phố, người ta mang lên sân khấu nhiều giỏ đựng đầy những gói bánh xanh đỏ, tím vàng.. . đủ màu. . . Ông Thị Trưởng và những người mặc vết-tông lên sân khấu phát bánh Trung Thu cho học sinh, tương lai của tổ quốc. Họ bắt đầu ném những gói bánh Trung Thu vào đám học sinh đứng sắp hàng trật tự trước sân khấu. . . học sinh nhào theo giành giật các gói bánh, nhiều gói vỡ tung, bánh kẹo rơi vươn vãi trên mặt đất nhơ nhớp nháp nước mưa. Tôi đứng nhìn và thấy nghẹn ở cổ. Lần nầy tôi không khóc như lần lãnh bánh Trung Thu của bác Hồ, tôi đã 10 tuổi, tôi thấy tôi đã lớn. . .và từ đó tôi quên hẳn chiếc bánh Trung Thu và cho tới bây giờ, có thể là các bạn không tin, tôi chưa bao giờ ăn bánh Trung Thu.
Năm 1971, Ty Tiểu Học Quảng Nam mời tôi chủ tọa lễ phát bánh Trung Thu cho học sinh Tiểu Học toàn tỉnh. . . Tôi tự hỏi không biết người ta phát bánh Trung Thu theo kiểu nào đây. . . Mỗi lớp học được cử ba em học sinh giỏi nhất lớp về Ty Tiểu Học để tham dự lễ Trung Thu, Tết Nhi Đồng và mỗi em được nhận tận tay một phần bánh kẹo, trong đó có một chiếc bánh Trung Thu thứ thiệt. . . Hai mươi năm trôi qua không còn chiếc bánh vòng sắn, không còn những chiếc bánh ném từ sân khấu xuống cho học sinh tranh nhau, nhưng chỉ có ba học sinh cho mỗi lớp được đi lãnh bánh, buồn hay vui đây. . . Một cái bánh Trung Thu thứ thiệt phát đàng hoàng tận tay cho mỗi học sinh tiểu học vẫn còn là một điều khó khăn, rồi còn bao nhiêu trẻ em không được may mắn đi học, bánh nào cho các em? ai lo cho chúng nó. . .? Chuyện chiến tranh, chuyện di cư, chuyện bánh Trung Thu, những mẫu ký ức rời rạc trong bộ óc già nua vô dụng của tôi. Những chuyện không dính dáng gì đến cái đầu đề “ Quảng Nam Đà Nẵng tuy gần mà xa...”. Người dân bao giờ cũng là những người thua thiệt nhất trong chiến tranh, người dân bao giờ cũng là nạn nhân của cường quyền, bạo lực. Người dân Thanh Quít, người dân Quảng Nam, địa bàn ác liệt của hai cuộc chiến tranh tiếp nối nhau, đã là nạn nhân khốn khổ nhất của một giai đoạn lịch sử của đất nước.
Giờ đây, chiến tranh đã kết thúc hơn 26 năm, quê nhà vẫn còn rất đông những đứa trẻ không được đến trường, vẫn còn những bữa cơm độn sắn, vẫn có những đứa trẻ bụng ỏng đít teo, mũi dãi lòng thòng, vẫn còn những đứa trẻ mình trần, da mốc thích ngồi trên mình trâu chuyền cho nhau những điếu thuốc lá to bằng ngón tay cái, thì làm sao có thể cho mỗi em một chiếc bánh Trung Thu thứ thiệt vào dịp Tết Nhi Đồng.
Nguyễn Chí Thiệp
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét