A20 Nguyễn Chí Thiệp
Xuân Phước - Tháng 9/1979
1.
Chỉ có một ngày di chuyển, buổi tối chúng tôi đến trại Xuân Phước. Đó là một trại ở vùng nước độc chuyên giam giữ tù hình sự. Ở tù chung với tù hình sự là một điều không may mắn, một thành phần quá ô hợp và phức tạp, đa số chỉ sống theo bản năng, mặt khác cán bộ coi tù hình sự quen thói đối xử tàn bạo hơn là đối với tù chính trị.
Chúng tôi được chào đón tận tình ở trại, chỉ có 30 người tù được hơn một chục cán bộ xét kiểm đồ vật trước khi nhập trại, thuốc men, thức ăn đều bị tịch thu. Cán bộ giải thích, ở trại tổ chức ăn uống tập thể, không phân chia vì phân chia thức ăn là vết tích của tư sản, nặng đầu óc tư hữu và trại sẽ lo cho “đầy đủ”. Vấn đề gia đình thăm gặp, thời gian đầu tạm ngưng, trại sẽ cứu xét tùy thái độ chấp hành cải tạo.
Về ở trong phòng mới xây bằng gạch kiên cố còn nồng mùi vôi mới quét. Đầu hôm hơi rừng đã tràn về lạnh ngắt qua những cửa sổ chấn song sắt trống trơn để cán bộ đi bên ngoài có thể kiểm soát được bên trong. Tiếp xúc lần đầu với cán bộ trại, ai nấy đều lo âu, bởi ai cũng hiểu là sự hứa hẹn lo đầy đủ nó sẽ như thế nào, không được gia đình tiếp tế thuốc men và thức ăn không biết sẽ ra sao. Nằm bên cạnh tôi là hai ông Võ Văn Hải và Lý Thành Cầu trằn trọc và thở dài suốt đêm, tội nghiệp hai người đã trên 60 tuổi. Tôi nhớ đầu năm 1978 ông Hải vẫn còn khỏe mạnh, nhanh nhẹn, làm lao động không thua một thanh niên, chỉ mới hơn một năm đã tiều tụy hẳn, nhất là cặp mắt không còn tinh anh. Muốn an ủi hai người, nhưng nghĩ là quá khách sáo nên thôi, vì bản thân tôi âu lo không kém. Còn trẻ nên tôi không để lộ ra và dễ dỗ giấc ngủ hơn. ông Võ Văn Hải là con một người bạn đồng liêu với ông Ngô Đình Diệm. Thời gian ông Diệm ở Mỹ, ông Hải ở Pháp học tốt nghiệp trường kinh tế - trở về nước cùng với ông Ngô Đình Diệm từ ngày đầu tiên ông được kể như là một người thân tín nhất của ông Diệm ngoài những người anh em trong gia đình. Sau khi chế độ Ngô Đình Diệm sụp đỗ, ông Hải lúc đó là Chánh văn phòng Tổng Thống, không hề bị làm khó dễ cũng như không bị chê trách đủ nói lên đức tính của ông. Sống cạnh ông Hải từ ngày đầu tiên ở trại lao động cải tạo, cho đến khi ông chết năm 1983, tôi biết rõ những tính tốt của ông. Biết thương và chia xẻ của riêng cho những người bạn tù nghèo khó là điều tôi ít tìm thấy trong những người lớn tuổi và từng giữ chức vụ quan trọng ở chế độ cũ, đa số đều ích kỷ. Hài hòa với mọi người nhưng khắc kỷ với bản thân và nghiêm khắc với thân nhân trong gia đình là bản tính của ông.
Đây là lần thứ hai tôi thấy ông Võ Văn Hải mất tinh thần. Lần đầu ông hơi mất tinh thần khi đọc xong truyện trinh thám “X-30 phá lưới” của một nhà văn Cộng sản trong đó nhân vật Võ Văn Hải được mô tả như một người chống Cộng sản mạnh mẽ nhất trong những người thân cận của Tổng Thống Diệm.
Ông Lý Thành Cầu là người thứ hai tôi hết lòng yêu mến trong những người đi cùng đến trại Xuân Lộc. Chuyến đi này cũng có ông, dù là trong một năm rưỡi ở trại, ông Lý Thành Cầu không vi phạm điều gì. Trường hợp ông Lý chứng tỏ sự trả thù dai dẳng của Cộng sản. Ông Lý là Đại tá của quân đội Quốc Dân Đảng Trung Hoa, được cử theo cụ Nguyễn Hải Thần về Việt Nam, ông Lý biết rất rõ từng nhân vật cũng như biến chuyển nhanh chóng của lịch sử Việt Nam trong những ngày tháng trước và sau ngày Hồ Chí Minh tuyên bố độc lập. Ông Lý trở về Trung Hoa thời gian ngắn, rồi trở lại Hải Phòng nơi ông được sinh và lớn lên trước khi về học ở đại học Bắc Kinh. Từ khi di cư vào Saigon, ông Lý lấy vợ Việt Nam và lập xưởng làm nước tương, không còn tham gia hoạt động chính trị. Sau khi miền Nam sụp đổ thì ông Lý bị Việt Cộng bắt nhốt từ những ngày đầu tiên.
Ông Lý hiểu rõ phong tục tập quán của người Việt, ông thuộc nhiều thơ văn Việt Nam, lúc đầu gặp ông Lý tôi đã có cảm tình khi nghe ông đọc nhiều đoạn thơ trong Chinh Phụ Ngâm cũng như thơ Kiều. Học lịch sử Việt Nam, nhớ lại một ngàn năm đất nước bị Trung Hoa đô hộ, từ nhỏ tôi vốn không thích người Tàu, nhất là những người tài phú thương mãi. Từ ngày gặp một số người Hoa có trình độ học vấn cao như ông Lầu, một nhà báo Đài Loan, Trần Tỷ một nhà tư sản, Trương Dĩ Nhiên nhà tư sản, ông Lý, chúng tôi có thể trao đổi những vấn đề của đời sống và con người. Tôi thấy có thể thông cảm với nhau được. Có những vấn đề ngoài tinh thần quốc gia cần suy nghĩ trên bình diện con người và tình cảm của con người. Chủ nghĩa Cộng sản muốn đặt quan hệ quốc tế tức ra ngoài biên giới quốc gia, nhưng lại không tôn trọng đến con người và hạnh phúc của con người nên có không phục vụ được cho quốc gia và cũng không phục vụ được cho con người; nó chỉ phục vụ cho một tập đoàn cấu kết nhau để nhàm cướp đoạt hạnh phúc của người khác. Đó là một tư tưởng quái dị và thoải hóa. Thời đại ngày nay mọi tiến bộ kỹ thuật đã làm cho con người gần gũi nhau hơn, dễ thông cảm nhau hơn, nên sự kiện con người tiêu diệt lẫn nhau không còn có thể chấp nhận được. Thực tế đời sống đã chúng minh được tương quan giữa con người với nhau, không còn là tương quan tước đoạt và bóc lột nhau, mà ngày nay có thể hình thành tương quan tương nhượng để cả hai bên cùng có lợi, cùng hòa hợp với nhau. Từ đó rõ ràng là chế độ Cộng sản không còn lý do để tồn tại nữa vì nó không phục vụ cho sự tiến bộ của đất nước cũng như hạnh phúc của con người. Do đó việc chống lại Cộng sản dưới mọi hình thức là một việc làm đứng đắn, cho dù có thiệt hại, có bị tù đày khi chế độ đó chưa bị tiêu diệt hẳn thì không có gì đáng là ân hận. Khi đất nước bị Cộng sản xâm lăng, một con người biết tự trọng hoặc là ở chiến trường để chiến đấu, hoặc là ở tù.
................
(Trích “Trại Kiên Giam”. Trang 343)
2.
Nạn nhân đầu tiên của tính cực đoan của cán bộ chính trị của cán bộ Cộng sản liên khu 5 là Huỳnh Cự, anh là người sĩ quan Việt Cộng hồi chánh năm 1954 làm đến Tham Nghị Bộ Chiêu Hồi (ngang hàng với Giám Đốc Bộ Chiêu Hồi). Bị bắt trong những ngày đầu sau khi Saigon bị sụp đổ, anh Cự bị giam ở các nhà giam Phan Đăng Lưu, Chí Hòa, Hàm Tân, Xuân Phước. Biết rành chế độ cộng sản và những sự tàn nhẫn của nó, cũng như đã lớn tuổi và cái thế tế nhị của một người hồi chánh, nên nơi đâu anh cũng sống dè dặt và cố gắng thu mình trong công tác lao động. Nhưng những toan tính và kinh nghiệm của Cự không giúp cho anh được nhiều vì trong nhà tù anh luôn luôn bị hai mũi dùi. Cán bộ cộng sản xem anh như người phản bội nguy hiểm, ngoài Bắc trước năm 1975 đã có những bài học về trường hợp của Huỳnh Cự, mỗi khi cán bộ mới đến trại, họ đi tìm để xem biết mặt anh. Phía người tù thì luôn luôn nghi ngờ Cự, xem anh là người cộng sản nguy hiểm. Thái độ lao động tích cực của Cự càng bị một số người chống đối cực đoan ghét, xem anh là phản bội người đồng cảnh. Đến trại Xuân Phước, Cự càng gặp khó khăn hơn, bởi Thân Di Yên trước kia là thuộc cấp của Huỳnh Cự. Một hôm Thân Di Yên gặp Huỳnh Cự trong trại, để Cự nghiêm chỉnh chào mình xong. Thân Di Yên nói rất nhỏ nhẹ: “Anh Cự đó hả? Thấy anh còn sống tôi mừng cho anh, tôi nhớ lại thời gian sau khi anh bỏ chúng tôi về thành, ngày nào chúng tôi cũng bị B-52 đánh, bao nhiêu anh em đã chết...”. Nghe Thân Di Yên nói, Cự tái xanh mặt. Từ đó, mỗi lần lên hội trường, nói về chính sách khoan hồng. Thân Di Yên đều kể trường hợp của Huỳnh Cự, hắn luôn nhấn mạnh là Cự đáng tội chết nhưng đảng đã khoan hồng cho đi cải tạo. Mặt khác Thân Di Yên tỏ ra tín nhiệm cho Huỳnh Cự làm đội trưởng đội mộc và làm đội trưởng những người được xem là tiến bộ được gọi đi làm ban đêm. Trong nhà tù cộng sản cũng như xã hội cộng sản cả hai thành phần tích cực làm việc cho chế độ đều khổ theo hai cách khác nhau. Người chống đối bị trừng phạt đày ải đến chết thì ngược lại người tích cực cũng bị thúc đẩy làm việc đến kiệt sức. Chỉ có người biết cách sống biết chịu đựng và lách né khéo là đỡ khổ. Nhưng đóng vai trò này rất khó – vì cuộc sống lôi kéo con người phải chọn hay tự nhiên sẽ bị đưa đẩy đến hoặc là bên thái độ này, hoặc là thái độ kia, không lưng chừng.
Vì ở cái thế đóng vai người biết hối tội, Huỳnh Cự thành người cải tạo tiến bộ. Nhưng Cự là người kinh nghiệm với chế độ cộng sản, anh chỉ đem sức ra làm lao động và cố thúc đẩy năng suất lao động của đội; và chỉ báo cáo những việc lặt vặt như nấu nướng trái phép, đánh lộn v..v.. còn việc báo cáo và đặt điều báo cáo về hành vi chính trị và lời nói của người khác anh Cự không hề làm. Đa số người hiểu anh, nhưng cũng có ít người không hiểu, những người đã từng ở chung trại Chí Hòa và trại Hàm Tân, có tinh thần chống cộng cực đoan trong nhóm anh Vũ Ánh và anh Ngô Văn Ly và họ đã mượn tay cộng sản để hại Huỳnh Văn Cự. Một hôm Ngô Văn Ly đã dán một truyền đơn “đả đảo cộng sản và Hồ Chí Minh”, dưới tờ truyền đơn ký tên Huỳnh Văn Cự. Dù thiệt thà đến đâu, không ai tim là Huỳnh Cự dám làm chuyện đó, nhưng đối với Thân Di Yên, đó là một cái cớ để đem Huỳnh Cự đi nhốt ở xà lim trên hai năm. Nếu không nhờ thân nhân bên vợ là cán bộ cao cấp của cộng sản thỉnh thoảng từ Nghệ An mang quà tiếp tế thì Huỳnh Cự chết rồi. Hơn 25 tháng bị cùm đến khi được thả Huỳnh Cự đã bò từ phòng an ninh về nhà giam tập thể.
.......
(Trích “Trại Kiên Giam”. Trang 343.)
..........
3.
Dùng biện pháp phân biệt thức ăn tùy thành tích cải tạo, hạn chế nhận quà và thăm gặp gia đình để buộc tù nhân trại E tăng năng suất không thành công. Đem các đội tù Việt Nam Thương Tín, tù hình sự từ các phân trại A, B, C đến đào ao để phát động cuộc thi đua, tù nhân trại E vẫn tiếp tục giữ vững thái độ. Ra đến bãi lao động anh em đồng lòng làm thật chậm, năng suất dưới mức chỉ tiêu ấn định, thà bị phạt cả đội về trễ hay làm thêm buổi sáng chủ nhật.
Anh em toàn trại không ai chỉ huy ai, nhưng sống đồng lòng, vì cùng có kinh nghiệm, cố gắng duy trì các hành động tập thể, không chống đối cá nhân để riêng rẽ bị kỷ luật.
Trại trưởng Thân Di Yên cho chuyển Trung tá BĐQ Dương Đức Mai từ phân trại B làm trưởng ban trật tự để làm công tác đưa trại đi lên. Trung tá Mai, người sĩ quan QLVNCH khởi nghiệp từ 1943 đi lính cho quân đội Pháp. Trở thành Thiếu úy Nhảy Dù Pháp từ 1951, luôn luôn hãnh diện với quá khứ đã từng chỉ huy nhưng sĩ quan Nhảy Dù trẻ tuổi hơn, sau này đã là tướng lãnh. Đơn vị cuối cùng của Trung tá Mai là Liên Đoàn 22 Biệt Động Quân đóng tại Ban Mê Thuột. Vào tù Trung tá Mai sớm đầu hàng, trở thành một tay sai đắc lực. Chính ông ta đã hãnh diện điều đó, ông tự hào là đã sắp xếp trại tù A-30 (Củng Sơn) vào trật tự nề nếp. Thành tích đó được giới thiệu khi ông chuyển qua trại A-20 Xuân Phước. Ông Mai đã đem kỷ luật quân trường vào đời sống nhà tù. Trước khi đi lao động, mỗi người phải xếp mền gối thật vuông vức như lúc học ở trường huấn luyện. Đi tập họp phải xếp hàng từ nhà ra đến bãi, hai bên đường luôn luôn có trật tự thi đua kiểm soát. Cá nhân nào vi phạm việc xếp mền gối hay trật tự lúc di chuyển phải bị đánh điểm xanh, bị ba điểm xanh trong một tháng đương nhiên bị xếp hạng cải tạo kém và hạ mức ăn xuống 12kg. Đội có nhiều người không giữ trật tự di chuyển, buổi trưa lên hội trường học nội quy và tập cơ bản thao diễn đi đứng cho thuần thục.
Nhưng mặc dù các biện pháp của trại và mọi cố gắng của những người tù cải tạo tốt như Dương Đức Mai, Phan Quốc Bảo, Đoàn Đô, Phan Gi On, Nguyễn Văn Lịch, Lê Quang Minh, tù phân trại E vẫn ù lì không tăng năng suất, không báo cáo, không đấu tranh. Các buổi học tập mỗi đêm vẫn phát biểu theo đúng “bài bản và sách vở” rồi thôi. Kết quả thu hoạch năm đó 3 mẫu ruộng được 700kg thóc, đậu cua chỉ bằng nửa dự tính và đậu phọng không đủ số giống phát ra vì khi thâu hoạch anh em bỏ lại hoa màu cho người dân đi mót nhặt. Thấy tình thế căng thẳng, tinh thần đoàn kết chống đối của phân trại E cao. Thân Di Yên cho mở đợt học tập viết lý lịch nguyên cả tháng, đồng thời thi hành hai biện pháp cùng một lúc, thứ nhất quyết định cho nhận quà thăm nuôi đầy đủ, biện pháp thứ hai ngược lại cho bắt giam một loạt hơn 30 người không cần vi phạm cụ thể. Xà lim khu E không đủ chỗ giam, nhiều anh em bị đưa vào xà lim các khu B và C. Những người bị giam đều hơn một lần bị kỷ luật nên cùm một hay hai chân không đáng ngại lắm và chúng tôi cũng có kinh nghiệm là tiêu chuẩn ăn 9kg một tháng với nước muối chúng tôi có thể hơn 5 tháng mà không bị chết, được trở ra rồi dần dà sẽ hồi phục trở lại. Nhưng lần này, tiêu chuẩn cơm không phải 9kg như thường lệ mà mỗi bữa chỉ được phát 2 muỗng cơm, đổ vào thật nhiều nước muối đồng thời hạn chế nước uống mỗi bữa chỉ cho một vá.
Mỗi lần phát cơm, hai trại trực Thái và Luật lấy muỗng đong lường từng muỗng cơm và lấy vá lường từng vá nước. Nhất là Luật, mỗi lần múc xong vá nước muối hắn chậm rãi đưa lên ngang tầm mắt nhìn rồi trịnh trọng đổ vào phần cơm, làm đều đặn mỗi ngày như là một trò chơi thích thú của hắn. Chúng tôi gạn nước muối ra, rồi đái vào, dùng nước tiểu rửa cơm cho bớt mặn. Nhưng chỉ vài ngày sau là nước tiểu cũng cạn khô không đái ra được nữa. Đói là điều dễ sợ nhưng khát thì khủng khiếp, cổ cứng lại và nước miếng dẻo lại như ngậm keo. Những hôm trời mưa nghe tiếng mưa kêu rào rào trên mái, tưởng chừng như thấy những giọt nước mát đang tràn ngập ra từ mái nhà xuống đất, đầu óc càng căng thẳng, người muốn căng lên, muốn vỡ ra, môi khô lại và cổ cứng nghẹn vì thèm nước, mỗi tế bào trong người như rộn ràng lên đòi nước. Nước tràn bên ngoài mà trong xà lim chúng tôi không có lấy một giọt, vẫn phải nhận một vá mỗi ngày do hai tên trực trại Thái và Luật đong cho.
Nguyễn Tú Cường đi làm việc có một sáng kiến uống thật nhiều nước rồi về đái cho Vũ Hùng Cương uống. Phương thức này phổ biến ra cho mọi người, nhưng bọn công an lại rất ít gọi ```không khai và không có điều gì dể khai cả. Không nhận tội sách động chống đối mà an ninh gán cho. Phải nằm chịu đựng cả đói lẫn khát, tất cả chúng tôi kiệt lực nhanh chóng. Chỉ qua một tháng là ai nấy chỉ còn da bọc xương, cái đầu giống hệt như cái sọ người chết, hai hốc mắt trũng sâu xuống, dường như không còn một chút thịt nào.
(Trích “Trại Kiên Giam”. Trang 362.)
*******
4.
Tháng chạp 1982, trời quá lạnh, phân trại C trong thung lũng sâu càng lạnh hơn, có đêm tất cả mọi người không nằm ngủ được, cái sân xi-măng càng thấm và bốc hơi lạnh vào xương sống, bao nhiêu cái áo quần mặc vào hết, rồi choàng cái mềm hút thuốc lào chống lạnh. Nghĩ đến Đoàn Phan Trí, người bạn nhỏ, bị bệnh lao phổi, đến Vũ Văn Ánh, Lê Văn Sanh, Trần Danh San, Hà Mạnh Phan đang nằm trong xà lim lòng tôi xót xa.
Qua một vài anh em bị kỷ luật ngắn ngày trong xà lim nhắn ra cho tôi là họ bị hỏi về âm mưu tổ chức đánh phá trại để đào thoát, cụ Lê Sáng và Trương Quốc Bảo bị cáo là tổ chức dạy võ và nhóm võ sinh sẽ là mũi xung kích trong vụ đánh tháo thân, đồng thời trong trại có cuộc bầu cử Tổng Thống. Cụ Lê Sáng là chưởng môn võ Vô Vi Nam bị Việt Cộng bắt vì những công việc tham gia tổ chức chống cộng từ thời trước năm 1954 ngoài miền Bắc. Trong tù, cụ là một mẫu người chính trực không khuất phục. Cụ không làm một hành động gì chống đối, nhưng mỗi khi bọn cán bộ lên mặt giáo huấn, cụ đem đạo lý làm người ra nói với chúng nên chúng ghét, tìm dịp để nhốt cụ vào kỹ luật. Chuyện bầu cử Tổng Thống thì có người gán cho linh mục Nguyễn Văn Vàng. Nhân dịp Tết Tân Dậu, gia đình thăm gặp, cha có mời một số thân hữu đến ngồi ăn cơm. Những chuyện vặt vãnh như vậy, rồi do hiềm khích thêu dệt để báo cái hại nhau. Trong cảnh khổ thường tạo sự gần gũi những người đồng cảnh với nhau, nhưng cảnh khổ cũng sinh ra những con người không có nhân tính, chỉ vì tư lợi nhỏ nhen sẵn sàng đạp lên xác người đồng cảnh để sống. Mà chưa chắc họ nhận được sự ưu đãi gì của bọn cai tù, chỉ giúp cho chúng cơ hội để tăng thêm sự hành hạ đối với những người tù chúng không khuất phục được. Có người học bài học thủ đoạn của cộng sản, vội xem nhau là nội thù, thì hành kế tá đáo diệt địch. Tôi đã kể về mâu thuẫn giữa một bên gồm các anh Khúc Thừa Văn, Bùi Lượng, Trần Công Linh và một bên bao gồm nhóm của anh Vũ Văn Ánh và Ngô Văn Ly mà giờ đây trừ Ngô Văn Ly được thả ra còn tất cả đều bị cùm chân đã gần hai năm rồi. Ngô Văn Ly rải truyền đơn, lại được thả ra trước, anh em tỏ ra nghi ngờ, và biết được hắn đã “bán cái” cho người khác việc làm của hắn, nên từ sự thán phục, nhiều người đã quay lưng và Ngô Văn Ly bị dồn đến thế cô lập. Đây là một phản ứng đứng đắn của tập thể nhưng nguy hiểm, vì con người quá khích, cực đoan và tham vọng như Ly, thường chỉ biết oán trách người khác và thù hận mà không bao giờ tự biết lỗi của mình.
...............
(Trích “Trại Kiên Giam”. Trang 411.)
Nguyễn Chí Thiệp
(Trại Kiên Giam, xuất bản tại Hoa Kỳ 1992)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét